Xã hội hiện đại với tốc độ sống quá nhanh, đôi khi tạo thành vòng xoáy cuốn đi những giá trị truyền thống, những nét đẹp trong tình cảm con người. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, nghề giáo, cũng như đạo lý “Tôn sư trọng đạo” đã có nhiều đổi khác. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để chúng ta cùng nhìn và suy ngẫm về những giá trị của nghề giáo xưa và nay.
Nghề giáo xưa nay và những điều cao quý
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “ Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.” Ông cha ta từ xưa cũng có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.” – Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Nghề giáo từ xưa đã được đề cao và tôn vinh như thế! Từ những ông đồ dạy chữ Nho, được trăm nhà nể phục, gửi con theo học chữ thánh hiền, đến những giáo viên ngày ngày đứng lớp, truyền dạy kiến thức, luyện nét chữ, rèn nết người. Từ đó, đạo lý Tôn sư trọng đạo cũng thấm nhuần vào tâm hồn mỗi người Việt Nam. Biết bao câu hát, vần thơ ca ngợi, biết bao lời cảm ơn đã gửi trao, để thể hiện lòng tri ân chân thành và sâu sắc, tới công lao, tâm huyết mà thầy cô cống hiến.
Nghề giáo xưa nay vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng, nghề nuôi dưỡng, góp phần tạo nên “ những ngày mai” của đất nước. Không chỉ truyền dạy kiến thức, thầy cô còn là tấm gương để học sinh học tập, và noi theo, là hình mẫu chuẩn mực, ảnh hưởng đến sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của học sinh. Cái đẹp của nghề giáo nằm ở điều đó. Nghề giáo còn đặc biệt hơn bởi những tình cảm gắn bó thân thiết giữa thầy và trò, bởi sợi dây liên kết ân nghĩa, ân tình. Thời gian bên thầy cô của mỗi học sinh đôi khi còn nhiều hơn cả bên gia đình. Bên cạnh những Tết cha, Tết mẹ, dân ta còn có Tết thầy cũng vì thế!
Nghề giáo nay , liệu có “bạc như vôi” ?
Thời gian gần đây, xã hội đang chấn động bởi những những cái chết thương tâm của các bé mầm non, do tai nạn ngoài ý muốn, hay do những nguyên nhân còn chưa rõ ràng, khiến cho mọi nghi ngờ, và tin đồn không hay đều đổ dồn về phía các giáo viên. Ngược theo dòng thời gian, nhờ mạng xã hội, những vụ việc thầy cô giáo bạo hành học sinh, hay có những biểu hiện và lời nói thiếu chuẩn mực bị phanh phui, đặt ra dấu hỏi to lớn về đạo đức nghề giáo, nay còn như xưa ? Ngược lại, cũng không ít câu chuyện về cách cư xử thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng của học sinh với thầy cô giáo, đi ngược lại những luân thường đạo lý ở đời. Tác động qua lại hai chiều như vậy, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc, đơn cử là sự phai nhạt những giá trị nhân nghĩa thầy trò xưa kia.
Nghề giáo nay còn muôn vàn điều phải lo lắng. Xã hội phát triển, đồng nghĩa với đó, việc đầu tư vào con người và tương lai phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đồng lương giáo viên vẫn giữ ở mức tương đối thấp, cùng với đó là điều kiện làm việc tại một số khu vực và cấp học vẫn chưa đảm bảo, khiến cho các thầy cô giáo không còn tận tâm cống hiến. Nhắc đến nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của văn hóa học đường, không thể không nhắc đến công tác đào tạo và chất lượng đầu vào sinh viên sư phạm, cũng như sự chênh lệch số lượng giáo viên từng cấp học, dẫn tới những luân chuyển thiếu hợp lý. Câu chuyện không mới, nhưng từng ngày gây lên những hậu quả khó lường về lâu dài cho ngành giáo dục.
Giữa muôn vàn khó khăn và bộn bề đó, vẫn có những bông hoa tỏa sáng, ngát hương bởi tâm huyết, tấm lòng và một niềm tin vào thế hệ mai sau. Dù thời gian có trôi, xã hội có phát triển đến mức độ như thế nào đi nữa, thì giáo dục và người thầy vẫn là điều không thể thay thế. Và, những giá trị tình cảm ban đầu dẫu mai một, nhưng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại bởi những tấm lòng.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Hanoi Connection xin gửi lời chúc mừng, lời cảm ơn sâu sắc đến các thế hệ nhà giáo nói riêng, đến những người làm công tác giáo dục nói chung, cùng một lời hứa về sự cố gắng cống hiến, và đóng góp hết mình của chúng tôi vào sự nghiệp giáo dục chung của nước nhà.
Hà Nhung