TIÊU CHUẨN VĂN HÓA ỨNG XỬ Ở SAIGON CONNECTION

Trong xã hội, con người luôn kỳ vọng mọi người cư xử với nhau thật thân thiện và nồng ấm, để sự hạnh phúc hiện diện mọi nơi. Saigon Connection gửi tới bạn đọc, những người làm việc tại Saigon Connection bộ quy tắc ứng xử chuẩn văn hóa thương hiệu.

1. Thanh Lịch & Tinh Tế

Là thương hiệu lựa chọn phong cách thanh lịch và tinh tế, tại Saigon Connection việc ăn mặc hở hang, hoặc rách rưới là không phù hợp. Mọi người có thể tự do ở nhà của mình, nhưng tại cơ sở và nơi làm việc, phong cách và hình ảnh chung của chúng ta là sự chỉn chu. Chỉn chu từ tiếng nói, bề ngoài và hương thơm. Chúng ta sẽ như thế nào nếu đi làm mà cơ thể có mùi khó chịu, tác động lên đồng nghiệp và phụ huynh hay khách hàng nhỉ?

Khuyến nghị mỗi cá nhân nên lựa chọn một mùi hương để thể hiện cá tính & cái tôi của riêng mình.

2. Lịch Sự Trong Giao Tiếp

Trong những câu nói và câu chào, chúng ta sẽ tôn trọng người đối diện như tôn trọng chính bản thân mình. Chúng ta sẽ không viện lý do là đang tập trung làm việc mà quên chào hỏi đồng nghiệp, phụ huynh và học viên tại cơ sở. Chúng ta không thể đòi hỏi họ chào mình trước trong khi mình có quyền chờ đợi và đáp lại. Điều này sẽ tăng khả năng kết nối giữa con người và con người. Đặc biệt khi nói chuyện với người nước ngoài, một nhóm có 3 người (2 người Việt và 1 người nước ngoài), trong trường hợp chúng ta muốn nói chuyện với nhau bằng Tiếng Việt hãy xin phép họ, điều này sẽ giúp chúng ta nhận được một ánh mắt trìu mến từ những người bạn quốc tế.

Không dùng nửa Tiếng Việt nửa Tiếng Anh khi nói chuyện trong đám đông, điều này sẽ khiến cho người xung quanh hiểu nhầm mình là người sính ngữ và thiếu sự quy chuẩn trong ngôn ngữ học. Ngôn ngữ luôn coi trọng sự thuần khiết, đó là lý do những người bản địa luôn được coi là tiêu chuẩn cao nhất của ngôn ngữ.

Hãy tắt điện thoại khi họp hay nói chuyện, khi mọi người có cuộc họp quan trọng. Việc bỏ tất cả điện thoại vào một hộp kín sẽ giúp cho cuộc họp trở nên tập trung và hiệu quả hơn. Những tin nhắn, những cuộc gọi điện thoại sẽ tốt cho một người nhưng lại mất thời gian của những người còn lại.

3. Không mang vật nuôi hoặc những sở thích cá nhân tới nơi làm việc

Đi làm và ở nhà khác nhau, chúng ta sống và làm việc ở môi trường đa văn hoá, chúng ta lấy sở thích cá nhân tới nơi làm việc sẽ làm cho mọi người có suy nghĩ chúng ta quan tâm tới cái tôi của bản thân hơn cả cảm xúc của cộng đồng. Những trò chơi điện tử, quay tiktok, thú cưng ở nơi làm việc,… thể hiện chúng ta chưa trưởng thành về tư duy cộng đồng.

4. Giúp đỡ phụ huynh, khách hàng

Trong mọi trường hợp khi phát hiện phụ huynh & khách hàng cần giúp đỡ, họ đang rơi vào trạng thái lo lắng như mất chìa khóa, mất cặp, mất dép hay bất kỳ một sự lo lắng nào đó, hãy rời khỏi vị trí làm việc để giúp đỡ. Chúng ta hãy cùng tập trung vào giải quyết vấn đề của mọi người, kể cả đồng nghiệp lẫn khách hàng.

5. Tránh hiểu nhầm

Ngôn ngữ luôn tiềm ẩn sự hiểu nhầm, hãy xác nhận lại ý hiểu của mình trong những giao tiếp mang tính công việc và quan trọng. Chúng ta không ngầm hiểu ý với nhau mà hãy xác nhận lại nó. Chúng ta tránh dùng những từ ngữ mơ hồ không xác định như: nhiều vào; ít thôi; vừa vừa…. Trong những trường hợp phát sinh mâu thuẫn và khó chịu với nhau hãy xem lại tin nhắn, lời nói hay email để kiểm tra lại xem có phải đã có sai thông tin ở đó.  

6. Muốn được chịu trách nhiệm

Với bất kỳ một hành vi nào gây tổn hại trong công việc, chúng ta sẽ đón nhận trách nhiệm đầu tiên và sau đó đưa vấn đề ra để bàn thảo, cần thiết sẽ thực nghiệm lại để xem đây là lỗi mang tính hệ thống (Lỗi lặp đi lặp lại mà ai làm cũng sẽ sai) hay lỗi mang tính cá nhân. Nếu là lỗi hệ thống, trách nhiệm sẽ do tập thể và có thể bỏ qua, còn lỗi cá nhân sẽ được nhắc nhở và không để sai phạm thêm lần sau. Những đóng góp mang tính phát hiện lỗi được nhận một thẻ đỏ góp ý, những đóng góp mang tính sáng tạo được nhận một thẻ xanh. Số thẻ tích được sẽ quy đổi ra phần thưởng cho những người muốn được chịu trách nhiệm. 

7. Khi có đối thủ cạnh tranh tìm hiểu dịch vụ

Khi phát hiện ra một cá nhân có thể là một người thiếu nghiêm túc hay một người chúng ta nghi ngờ là đối thủ cạnh tranh của mình, hãy bình tĩnh để giải quyết. Thứ nhất, hãy xem họ đang làm ở đâu và đưa thông tin đó vào lời giao tiếp. Ví dụ như: Em có tìm hiểu thấy anh/chị đang làm bên trung tâm ABC; Lý do nào mà mình muốn chọn cho con học bên em thay vì nơi mình đang làm việc ạ? Nếu người đó thực sự nghiêm túc, chúng ta sẽ có thêm khách hàng hoặc thậm chí là nhân viên trong tương lai đó. Hãy cẩn thận trước khi ứng xử!

8. Khi trẻ gặp sự cố ở cơ sở

Nghịch ngợm là một phần trong trẻ, những điều đáng tiếc có thể xảy ra, chúng ta có thể 1 phút thờ ơ sẽ dẫn đến sự phẫn nộ của bố mẹ và có thể tất cả chúng ta sẽ mất đi cơ hội làm việc, gắn bó với nghề. Chính vì vậy ngay khi có sự vụ xảy ra, cái đầu tiên chúng ta cần làm là đồng cảm với phụ huynh và hãy tập trung vào việc cùng giải quyết sự việc như đúng bậc cha mẹ của học viên. Hãy chia sẻ cùng và đi theo tới cơ sở y tế cần thiết.

Không ai trong số chúng ta muốn điều này xảy ra. Sự mất kiểm soát trong một tích tắc là hoàn toàn có thể. Và sự vụ này không hiếm trong xã hội này. Nhiều bài học nhãn tiền đã xảy ra trước mặt. Vì thế, trước khi giải quyết xong sự vụ sẽ đi đến việc tìm ra nguyên nhân, có nhiều sự vụ phức tạp, hãy mời công an, thám tử hay những người có liên quan để điều tra cùng về sự việc. Hãy gọi tất cả nhân chứng và vật chứng, quay lại cuộc điều tra đó xem nguyên nhân thực sự là ở đâu và giải quyết sự việc một cách triệt để. Để sau sự vụ này tất cả đều có thêm bài học cho mình, chứ không phải là một cách để chối bỏ trách nhiệm. 

9. Bàn giao trẻ cho người được uỷ quyền

Ngoài bố mẹ ruột, không có ai được đón thay thế ngoại trừ sự xác nhận của bố mẹ qua điện thoại bằng tin nhắn. Hãy chụp cả ảnh của người đón gửi cho bố mẹ trước khi trẻ ra khỏi trung tâm. Trong trường hợp không có người đón, hãy chọn việc đưa trẻ về nhà. Việc làm này có thể lấy đi một phần thời gian của chúng ta, nhưng đổi lại chúng ta có được niềm tin và sự tin tưởng của phụ huynh mãi về sau. Đây là một điều tuyệt vời mà chúng ta có thể làm cho cơ sở của mình.

10. Kiến tạo tranh luận

Trong một cuộc họp bất kỳ, những người ít nói được phát biểu trước, những người có xu hướng nói nhiều và hay nói sẽ là người nói cuối cùng, để góp phần đóng góp ý kiến, đảm bảo tính xây dựng. Cũng như những người có xu hướng sống nội tâm có cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu, cũng như tranh luận trong cuộc nói chuyện.

11. Sự ngăn nắp

Bàn làm việc, lớp học, bàn quầy thu ngân luôn ở trong trạng thái ngăn nắp, việc ngăn nắp sẽ giúp cho quá trình tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn. Thật tốn thời gian nếu mọi đồ vật lấy từ chỗ này bỏ ra chỗ kia mà không ai biết. Khi dùng tới, chúng ta mất hai thứ: một là thời gian, hai là cảm xúc tiêu cực.

12. Đồng phục

Chúng ta không nhất thiết phải mặc đồng phục đi từ nơi này đến nơi khác ở ngoài xã hội để quảng cáo thương hiệu, chúng ta chỉ cần mặc tại cơ sở là đủ. Ở nơi đó, đồng phục của chúng ta được thơm nhất, sạch nhất. Mọi người ở cấp cơ sở hãy chỉn chu đồng phục của mình trước khi vào làm việc. Luôn giữ cho màu áo, và trang phục ở mức độ tốt nhất. Nếu nó có bị biến dạng trong quá trình sử dụng, hãy xin đề nghị cấp mới.

Giày dép những ngày mưa nắng hãy để cho nó sạch sẽ trước khi bước vào trung tâm. Những dấu giày dép ướt nhẹp, lấm đất là những gì đáng sợ thể hiện cho một sự sơ ý. Người ta sẽ hình dung ra sự sơ ý của chúng ta ở những nơi khác dù chúng ta có làm tốt thế nào đi nữa.

13. Ứng xử với các đơn vị cùng lĩnh vực

Tuyệt đối không đề cập tới đối thủ cạnh tranh trong bất kỳ trường hợp nào. Cổ nhân xưa đã có câu “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Dù trong mọi hoàn cảnh hãy giữ những điều muốn nói về đối thủ cạnh tranh ở trong lòng. Chúng ta sẽ không bàn tán về họ mà hãy làm thật tốt về mình. Đừng chờ lúc người ta xa cơ lỡ vận mà nhảy vào bàn tán xôn xao. Người thanh lịch sẽ tôn trọng đối thủ cạnh tranh trong mọi trường hợp. Mọi hành vi gây hấn là không cần thiết nhất là với môi trường giáo dục.

14. Giải quyết mâu thuẫn

Trong trường hợp các bên có mâu thuẫn, không ra quyết định ngay tại thời điểm đó. Những người tham gia sẽ tạm hoãn tình huống và giải quyết 48h sau đó. Trong quá trình giải quyết sẽ làm đơn khiếu nại theo hướng dẫn, và giải trình sự vụ trước khi mọi việc được phơi bày.

15. Giao tiếp khi có người lạ

Trong cơ sở, văn phòng của hệ thống, khi có khách, người lạ mặt, không nói chuyện riêng tư của hệ thống với nhau cho người lạ hoặc khách hàng nghe thấy. Việc trao đổi vô tư với nhau, cười nói thể hiện ra sự thiếu tôn trọng với người có mặt trong hoàn cảnh đó. Thể hiện sự thiếu tinh tế.

16. Quản lý cảm xúc cá nhân

Thông thường con người dễ rơi vào trạng tháng cảm xúc cá nhân tiêu cực hoặc phấn khích quá mức. Chúng ta sẽ không lan truyền cảm xúc đó cho đồng nghiệp, khách hàng, hay bất kỳ người nào có mặt ở trong bối cảnh đó. Hãy để cảm xúc qua đi trước khi có những ứng xử tiếp theo ra bên ngoài.

17. Đối soát công việc

Khi một công việc được giao cho một cá nhân, người giao việc có trách nhiệm kiểm tra lại để khi sự việc xảy ra hậu quả không mong muốn người giao việc sẽ là người có trách nhiệm trước và sau đó đến người nhận việc. Quy trình giải quyết trách nhiệm sẽ giúp cho mối quan hệ cộng tác sẽ trở nên khăng khít hơn.

18. Sẵn sàng chia sẻ văn hoá mới

Mọi cá nhân trong tổ chức đều được quyền và có quyền chia sẻ bổ sung những văn hoá mới để môi trường làm việc chung của chúng ta trở nên vui vẻ, hạnh phúc và đạt hiệu quả thật cao. Hãy chia sẻ ngay những gì bạn cảm thấy là cần thiết và phù hợp cho nền văn hóa riêng của hệ thống nhé.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

– Hotline: 1900 63 30 63 hoặc 0973 27 00 88 (Giờ hành chính)

– Website: saigonconnection.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *